Hãy biết nói lời cảm ơn đến những ánh mặt trời
Các chuyên gia kinh tế đã rất băn khoăn khi có ý kiến của ngành điện cho rằng điện mặt trời đang gây khó khăn cho vận hành lưới điện quốc gia. Thực tế có phải như vậy không hay đó chỉ là khó khăn cục bộ vài nơi vì sự chậm trễ trong đầu tư lưới điện?
Tình huống phụ tải xuống quá thấp đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nếu nhìn bằng con mắt tích cực, là tín hiệu nhắc nhở rằng đã đến lúc chúng ta cần một phương thức điều độ hệ thống và vận hành thị trường mua - bán điện linh hoạt hơn để thích ứng với cơ cấu nguồn phát đang thay đổi nhanh chóng.
Việc chúng ta chậm trễ hay tỏ thái độ ngập ngừng với điện sạch gồm điện gió, điện mặt trời - hai thế mạnh của Việt Nam - vô hình trung, sẽ gián tiếp rộng đường cho điện không sạch hoặc bào mòn môi trường như điện than hay thủy điện.
Điện sạch trên nóc Nhà máy chế biến thủy sản sạch Việt Nam. |
Mồm chữ A - mắt chữ O
Ngày 31/12/2020 là ngày đáng nhớ của ngành điện Việt Nam, từ vị trí thấp - thậm chí không có tên lẫn tuổi trên bản đồ năng lượng sạch toàn cầu, chỉ sau hai năm đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng lượng tái tạo (Điện MT) của thế giới. Đây là một cú nhảy quá vượt trội trước sự kinh ngạc của nhiều quốc gia lớn có thâm niên khá nhiều năm. Và thực tế đó chứng minh được nội lực của Việt Nam không chỉ về tài chính mà còn là tư duy chiến lược theo xu hướng tất yếu của nhân loại.
Niềm vui chưa kịp “nâng bậc” thì trong hai tháng qua truyền thông cả nước lại liên tục “réo” những khó khăn của EVN về quản lý lưới điện do quá tải, để buộc hàng trăm nhà máy điện Mặt trời hằng ngày phải tiết giảm từ 30%đến 40% công suất.
Một nhà đầu tư lớn và rất chuyên nghiệp về ĐMT ở miền Nam đã thảng thốt, “Hàng ngàn tỷ đồng đổ vào thì mới có được Nhà máy điện mặt trời nên vóc nên hình làm đẹp cho đời, mang vinh dự về cho đất nước. Ấy thế mà, chỉ vì sự nhất thời EVN không kịp chuyển đổi cách vận hành thì lại đổ tội cho điện mặt trời. Theo chủ trương của Chính phủ đầu tư vào NLS để rồi lại bị ép giảm công suất. Đâu phải là gió mà sao chóng vánh đổi chiều như vậy !!!
Rất nhiều doanh nghiệp năng lượng sạch (NLS) cảm thấy chua xót khi một lượng lớn điện sản xuất ra phải thải bỏ vì không được phát lên lưới thương mại. Biết bao công sức, mồ hôi, trí tuệ, nhiệt huyết và tiền bạc đã bị chối bỏ bởi những lời ca cẩm của ngành điện đổ lỗi cho quá tải từ ĐMT. Chứng kiến cảnh méo mặt của nhà đầu tư thì mới cảm được nỗi đau chịu đựng bởi khó khăn mơ hồ của ngành điện Quốc gia. Còn riêng các nhà đầu tư tài chính và Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp điện sạch thì lại phải phập phồng và lo lắng sợ thu hồi nợ không đúng hạn.
Dù đạt sự thăng hoa vào cuối năm ngoái, điện mặt trời đang bị nhiều ý kiến xem là tác nhân gây bất ổn lưới điện. Không chỉ thế, những động thái và ý kiến gần đây của nhiều người cho thấy sự lưỡng lự vào tương lai của điện sạch.
Cần gạn đục khơi trong
Có một thực tế không thể không nói đến, đó là trong khi nhiều nhà máy ĐMT được đầu tư tốt của các Tập đoàn kinh tế lớn - uy tín đang phải ngắc ngoải bởi bị EVN khống chế công suất, thì nghịch lý thay lại có khá nhiều dự án ĐMT “vỉ nướng” được phê duyệt đính kèm một cách vội vã. Điều này chẳng những làm nhà đầu tư chân chính “chết đứng như Từ Hải” mà càng vô tình bóp méo hình ảnh 1 số Áp xanh thật thụ.
Vậy nên chăng việc phê duyệt nhà máy cụ thể phải tính toán kỹ lại, tránh việc xát muối vào vết thương của doanh nghiệp NLS, hoặc gây đổ vỡ niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp theo. Và biết đâu, việc làm trái khoáy ấy sẽ là đầu dây mối nhợ khiến hệ thống điện Quốc gia vận hành trong khủng hoảng.
Thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch có tâm và có tầm gây ra vỡ trận là bài học muôn thuở xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Liệu ta có rút kinh nghiệm với thị trường quan trọng bậc nhất như điện để khai mở nguồn năng lượng sạch vô tận cho đất nước hay không? Điều này một lần nữa phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà điều hành.
Theo Anh Thi- Báo Công an nhân dân